Để giúp học viên làm quen và hiểu được cấu trúc bài thi một cách cặn kẽ. Nam Long gửi đến quý anh chị học viên cấu trúc cơ bản bài thi Tiếng Anh B1 chi tiết. Đi kèm với đó là những phương pháp học nhanh và hiệu quả nhé!
Cấu Trúc chi tiết của bài thi tiếng Anh B1
Bài thi tiếng anh B1 bao gồm 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc và Viết. Những kỹ năng này được chia thành 3 bài thi theo trình tự sau:
Reading + Writing: thời gian làm bài 90 phút, điểm số 60/100.
- Phần Reading: sẽ bao gồm 4 phần, tổng cộng 30 câu hỏi. Mỗi câu 1 điểm, phần này chiếm đến 30 điểm.
- Part 1 (10 câu hỏi): Đọc 10 câu độc lập. Mỗi câu sẽ có một từ còn thiếu. Thí sinh sẽ phải chọn 1 trong 4 đáp án phía dưới để điền vào chỗ trống. (Lưu ý: đây là dạng bài trắc nghiệm A, B, C, D)
- Part 2 (5 câu hỏi): Ở phần này, thí sinh sẽ thường được gặp 2 dạng câu hỏi. Dạng 1: Đọc 5 biển quảng cáo, biển báo hiệu thường gặp hoặc những thông báo ngắn. Dạng 2: Thí sinh sẽ phải đọc 5 đoạn mô tả ngắn, sau đó chọn các bức tranh tương ứng với đoạn mô tả. (Lưu ý: đây là dạng bài trắc nghiệm A, B, C, D)
- Part 3 (5 câu hỏi): Thí sinh sẽ được đọc 1 đoạn văn dài khoảng 200-250 từ. Sau đó sẽ trả lời các câu hỏi đúng dưới dạng trắc nghiệm A, B, C, D.
- Part 4 (10 câu hỏi): Hình thức bài làm của phần này đó là đọc một bài viết khoảng 150 từ và điền từ còn thiếu. Có khoảng 10 từ còn thiếu và bạn sẽ được lựa chọn đáp án của mình trong 15 từ cho trước.
- Phần Writing: sẽ bao gồm 2 phần, chiếm 30 điểm số.
- Part 1 (5 câu hỏi): Phần này chiếm 10 điểm. Trong bài thi sẽ có sẵn 5 câu. Thí sinh phải viết lại với cách diễn đạt khác những gợi ý được đưa ra. Nhưng phải đảm bảo ý nghĩ của những câu đó không thay đổi. (bài làm sẽ cho sẵn 1-2 từ gợi ý)
- Part 2: Đây là phần chiếm đến 20 điểm. Yêu cầu thí sinh phải viết một bài viết ngắn khoảng 100-120 từ. Một số dạng thường được dùng là: viết thư, viết lời nhắn email, hoặc một câu chuyện đã có sẵn mở đầu và kết thúc,…
Listening: thời gian làm bài cho phần này là 35 phút. Chiếm 20/100 điểm. Bài thi Listening bao gồm 2 phần:
- Part 1 (5 câu hỏi): chiếm 10 điểm. Thí sinh sẽ được nghe những dạng bài sau: 5 đoạn hội thoại ngắn rồi đánh dấu vào 1 bức tranh/ hình ảnh đúng với đoạn hội thoại. Hoặc bạn có thể sẽ nghe một đoạn hội thoại sau đó lựa chọn 5 câu đúng hoặc sai (True/False). Hoặc cũng có thể bạn sẽ được nghe một đoạn độc thoại ngắn rồi đánh dấu vào 5 sự vật/ sự việc mà bạn nghe được trong bài.
- Part 2 (10 câu hỏi): tương tự part 1, part 2 cũng chiếm 10 điểm. Thí sinh sẽ nghe một đoạn hội thoại hoặc độc thoại. Sau đó điền 10 chi tiết còn trống. Lưu ý: những ô trống này thường là những thông tin quan trọng.
Speaking: thời gian làm bài chỉ có khoảng 10-12 phút. Điểm bao gồm 20/100 điểm. Speaking sẽ có 3 phần thi, thí sinh sẽ được bốc thăm chủ đề nói của mình và có khoảng 5-7 phút để chuẩn bị.
- Part 1: thời gian cho phần này chiếm khoảng 2-3 phút. Giám khảo sẽ hỏi thí sinh một số câu hỏi về tiểu sử để đánh giá khả năng giao tiếp của thí sinh.
- Part 2: thí sinh sẽ có 5 phút để trình bày chủ đề vừa mới bốc thăm.
- Part 3: Sau khi trình bày xong chủ đề của mình. Thí sinh sẽ có thêm 3-5 phút để trò chuyện thêm về những vấn đề liên quan mà mình mới trình bày.
Lưu ý: Bài thi tiếng anh B1 được tính theo khung điểm 100. Và kết quả nhận được sẽ là ĐẠT hoặc KHÔNG ĐẠT. Thí sinh sẽ ĐẠT nếu như tổng các phần thi 50/100 điểm, và mỗi phần kỹ năng không dưới 30% số điểm.
Phương pháp luyện thi Tiếng Anh B1:
Dưới đây Nam Long sẽ hướng dẫn cách làm bài Tiếng Anh B1 sao cho hiệu quả và kết quả tối ưu nhất nhé!
READING – PART 1
Bao gồm 10 câu hỏi chọn đáp án A, B, C, D có liên quan đến các chủ điểm từ vựng và ngữ pháp. Khi làm phần này, các bạn hãy lưu ý những điều sau:
✓ Đọc lướt qua một lượt các câu hỏi. Câu nào dễ nên làm trước, câu nào khó làm sau.
✓ Đọc các đáp án, xem đó là câu hỏi về ngữ pháp hay câu hỏi về từ vựng để có cách phù hợp.
– Nếu đó là câu hỏi về ngữ pháp: Hãy quan sát xem đó là câu hỏi về các thì của động từ, giới từ, câu bị động hay câu điều kiện,… Sau đó hãy chú ý đến những dấu hiệu nhận biết có trong câu và các từ xung quanh từ cần điền để xác định được đáp án phù hợp.
– Nếu đó là câu hỏi về từ vựng: Hãy xem đó là câu hỏi về từ loại hay nghĩa của từ cần điền. Nếu là từ loại, hãy quan sát các từ xung quanh để biết chỗ trống cần điền là danh từ, động từ, tính từ hay trạng từ. Còn nếu 4 đáp án là 4 lựa chọn khác nhau hoàn toàn về nghĩa thì hãy đọc thật kỹ câu hỏi. Xem xét ngữ cảnh để tìm lựa chọn ra đáp án phù hợp nhất.
READING – PART 2
Phần 2 – READING: Đọc 5 đoạn miêu tả ngắn rồi nối với 5 bức tranh phù hợp. Các bạn cần lưu ý những điều sau:
✓ Quan sát thật kỹ các bức tranh để tìm ra các đặc điểm nổi bật.
✓ Ghi chú lại các đặc điểm nổi bật.
✓ Đọc các đoạn miêu tả. Chú ý gạch chân các từ khóa.
✓ Có thể chọn đoạn miêu tả dễ để làm trước. Và dùng phương pháp loại trừ đối với các câu khó hơn.
✓ Sau khi hoàn thành phần ghép tranh, hãy kiểm tra lại dựa trên những đặc điểm nổi bật đã được viết ra.
READING – PART 3
Phần 3 – READING: Đọc bài khóa và chọn đáp án đúng cho 5 câu hỏi lựa chọn.
✓ Đọc lướt tìm ý chính của bài đọc.
✓ Đọc câu hỏi và gạch chân từ khóa.
✓ Đọc câu có chứa thông tin cần tìm và những câu xung quanh.
✓ Gạch chân thông tin quan trọng làm cơ sở để trả lời câu hỏi.
✓ Đọc lại câu hỏi và các lựa chọn trả lời để so sánh đối chiếu thông tin.
✓ Sau khi đã trả lời xong hết các câu hỏi, kiểm tra lại các câu trả lời.
Lưu ý:
Câu hỏi Trắc nghiệm thường có 4 loại:
→ Hỏi về ý chính hoặc cấu trúc của bài.
→ Hỏi về chi tiết trong bài.
→ Hỏi về từ vựng.
→ Hỏi về thái độ, mục đích của tác giả.
Bạn có thể sử dụng 4 kỹ năng và chiến thuật đọc hiểu:
→ Đọc tìm ý chính.
→ Đọc tìm chi tiết.
→ Đoán từ vựng trong ngữ cảnh.
→ Đọc hiểu ý ngầm.
READING – PART 4
Đọc bài khóa rồi điền vào 10 chỗ trống từ 15 từ cho sẵn. Để làm tốt phần này, các bạn cần lưu ý những điểm sau đây:
✓ Đọc toàn bộ bài khóa vì có thể có sự liên kết giữa các câu trong đoạn văn. Hoặc xem xét cấu trúc ngữ pháp để có thể dễ dàng lựa chọn được đáp án đúng nhất.
✓ Xác định thể loại của 15 từ cho sẵn và nghĩa của chúng.
✓ Xác định từ loại của các chỗ trống cần điền sau đó tìm từ loại đó trong số các từ cho sẵn.
✓ Nếu có nhiều hơn một lựa chọn cho chỗ trống cần điền, hãy xem xét nghĩa của những từ đó.
✓ Điền những chỗ trống dễ lựa chọn nhất, còn những chỗ trống khó thì điền sau.
✓ Đánh số vào những từ đã lựa chọn rồi để còn ít sự lựa chọn ở các đáp án khác.
✓ Câu nào khó quá thì để cuối cùng và làm theo phương pháp loại trừ.
WRITING – PART 1
Phần 1 – WRITING: Viết lại câu sử dụng các từ cho sẵn. Đối với phần này, các bạn cần lưu ý những điểm sau đây:
✓ Phải đảm bảo sử dụng đúng từ cho sẵn và ý nghĩa câu không thay đổi.
✓ Thì của câu viết lại phải cùng thì với câu đã cho.
WRITING – PART 2
Viết một lá thư hoặc một câu chuyện đã có sẵn câu mở đầu hoặc câu kết thúc. Để làm tốt phần này, các bạn hãy lưu ý những điểm sau đây:
✓ Dành thời gian đọc kỹ yêu cầu đề bài, xác định mình cần viết nội dung gì.
✓ Lập dàn ý khái quát trước khi viết với các cụm từ.
✓ Cần trả lời đầy đủ các câu hỏi trong đề bài yêu cầu.
✓ Đảm bảo độ dài yêu cầu, khoảng 100-120 từ.
✓ Cần dành thời gian để kiểm tra lại lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, dấu câu, từ nối…
LISTENING – PART 1
Nghe 5 đoạn hội thoại ngắn rồi đánh dấu vào 5 bức tranh. Để làm tốt phần này, các bạn hãy lưu ý những điểm sau:
✓ Bỏ qua phần nghe đọc hướng dẫn và ví dụ. Hãy dành thời gian đó để đọc các câu hỏi và quan sát các bức tranh.
✓ Gạch chân các từ khóa trong câu hỏi xem thông tin cần trả lời là gì.
✓ Chú ý điểm khác biệt giữa các bức tranh.
✓ Nghe bài hội thoại thật cẩn thận, và chọn câu trả lời đúng. Không nên lo lắng khi không trả lời được trong lần nghe đầu tiên vì mỗi đoạn sẽ được nghe hai lần.
✓ Chọn xong đáp án, hãy nhanh chóng chuyển sang đọc câu hỏi và quan sát tranh ở câu tiếp theo.
LISTENING – PART 2
Nghe một đoạn độc thoại hoặc hội thoại rồi điền những từ còn thiếu vào chỗ trống. Để làm tốt phần này, các bạn cần lưu ý những điểm sau:
✓ Bỏ qua phần đọc hướng dẫn. Dành thời gian đọc qua bài hội thoại và nhanh chóng đoán, xác định xem chỗ trống cần điền là thông tin, từ loại gì (tính từ, danh từ, động từ, trạng từ, liên từ …)
✓ Trong khi nghe nên viết thật nhanh đáp án bằng cách có thể viết tắt hoặc ký hiệu mà bản thân bạn có thể hiểu được. Tránh viết từ đầy đủ sẽ bỏ lỡ mất câu sau.
✓ Nếu bạn không nghe được từ đó thì đừng lo lắng, nhanh chóng di chuyển đến câu tiếp theo và tập trung nghe lại ở lần thứ hai.
✓ Nhớ kiểm tra kỹ lại đáp án, tránh lỗi chính tả. Đặc biệt với các đáp án là động từ phải chắc chắn chia đúng ngôi và thì, còn với các danh từ thì lưu ý đó là danh từ số ít hay số nhiều.
SPEAKING – GENERAL NOTE
Trước khi đến với các phần trong bài thi nói của Tiếng Anh B1, bạn cần chú ý đến những lưu ý chung sau đây:
✓ Chuẩn bị tinh thần thoải mái, tự tin, vui vẻ khi tham gia thi nói.
✓ Nghe / đọc kỹ câu hỏi.
✓ “Eye contact” – Hãy nhìn giáo viên khi nói.
✓ Chú ý đến tốc độ bài nói; không nên nói quá nhanh hoặc quá chậm.
✓ Hỏi lại giáo viên khi không hiểu câu hỏi.
E.g: – Excuse me, could you repeat again?
– Sorry , I can’t hear it. Could you repeat your question?
– Sorry I can’t catch your words. Would you mind repeating the question?
✓ Tự tạo cho mình thời gian suy nghĩ trước khi trả lời bằng cách đưa ra nhận xét về câu hỏi, nhắc lại câu hỏi hoặc sử dụng các từ đưa ra ý kiến
E.g: Why do people spend more time travelling nowadays?
– It is such an interesting question.
What is your hobby?
– What’s my hobby? Well. I like collecting caps.
What do you think about online shopping?
– I think that … / In my opinion … / As far as I know …
SPEAKING – PART 1
Phần 1 – SPEAKING: Giáo viên sẽ hỏi một số các câu hỏi liên quan đến bản thân để kiểm tra trình độ giao tiếp của các bạn. Để hoàn thành tốt phần thi này, các bạn hãy ghi nhớ những lưu ý sau:
✓ Nên tạo ấn tượng tốt với giáo viên ngay từ ban đầu bằng cách chào hỏi lịch sự với thái độ vui vẻ, thoải mái, tự tin.
E.g: ✓ Good morning / Good afternoon
✓ How are you today?
✓ Tránh trả lời câu hỏi của giáo viên một cách cụt lủn chỉ với “Yes” hoặc “No”, bạn cần đưa ra các ví dụ minh họa, cảm nghĩ của bản thân, giải thích lý do rõ ràng.
E.g: Do you like studying English?
✗ Yes, I do.
✓ Yes, I think that English is good for our future life such as to find a job, to communicate with foreigners , easy to understand if we find information online.
✓ Tránh liệt kê hàng loạt, sử dụng từ nối phù hợp.
E.g: What kind of books do you like?
✗ Novel, fiction, non-fiction, comic books
✓ Well, I love all kinds of books. For example novels, fiction, non-fiction, even comic books and so on.
SPEAKING – PART 2
Phần 2 – SPEAKING: Các bạn được bốc thăm chủ đề nói. Có một vài lưu ý các bạn cần nhớ như sau:
✓ Đọc kỹ đề và dành thời gian viết các cụm từ hoặc ý định nói.
✓ Chia bài nói thành ba phần rõ ràng: Mở bài, thân bài, kết bài.
* Mở bài: Giới thiệu về chủ đề sẽ nói, có thể sử dụng những cách diễn đạt sau:
✓ I’d like to talk about……….
✓ I’m going to talk about…………
✓ I’ve chosen to talk about………..
✓ I’ll start by talking about………..
* Thân bài: Thường trả lời 3 ý được hỏi, chú ý sử dụng các từ nối để chuyển ý.
✓ First,… / Firstly,… / First of all,…
✓ Second,… / Secondly,… Next,…
✓ Lastly,… / Finally,…
✓ However,… ; Moreover,… ; In addition,… / In addition to this,…
* Kết bài: Tóm tắt lại các ý trong phần thân bài và nêu cảm nghĩ của bản thân.
✓ In short,…
✓ In conclusion,…
Hy vọng qua bài viết trên, các bạn sẽ nắm rõ được kiến thức về cấu trúc cũng như phương pháp làm bài thi tiếng Anh B1 thật hiệu quả nhé! Để tìm hiểu thêm, các bạn vui lòng liên hệ website hoặc Fanpage chính thức của Nam Long VSTEP nhé!